20 năm sự kiện 11/09: Cái gì nuôi dưỡng khủng bố?

Xã hội Hà Quang Minh Thứ Bảy , 11/09/2021 04:59 GTM+7

Thứ nuôi dưỡng khủng bố chính là sự thiếu tôn trọng các khác biệt văn hóa mà người Tây phương đã và vẫn thể hiện khi họ ngạo mạn phổ cập các giá trị về tự do, dân chủ rất phổ quát của mình nhưng lại vô cùng xa lạ và khác biệt với các xã hội phương Đông trong vai trò của những nhà khai sáng…

20 năm sự kiện 11/09: Cái gì nuôi dưỡng khủng bố?

Ánh đèn tưởng niệm sự kiện tại Hạ Mahattan vào dịp 11/09/2021

20 năm trước, cả thế giới bàng hoàng khi nhìn thấy hình ảnh những chiếc máy bay dân dụng lao vào tòa tháp đôi WTC ở New York. Chưa một ai có thể hình dung nổi một cuộc tấn công bất chấp mọi thứ đạo lý, thách thức mọi cấp độ bạo lực như vậy. Và sau sự kiện bi thương này là gì? 2 thập niên chống khủng bố có đạt được kết quả gì hay chủ nghĩa khủng bố chỉ lan rộng hơn, với số vụ tấn công thường xuyên hơn?

Đúng 20 năm sau sự kiện 11/9, Taliban lại một lần nữa làm chủ Afghanistan. Giới học giả định nghĩa thế nào về Taliban? Họ hiếm khi dùng từ "khủng bố" để nói về tổ chức này. Nhưng tại sao họ lại coi IS là một tổ chức khủng bố, giống như Al-Qeada? Và về bản chất, nhà nước IS và nhà nước Taliban khá giống nhau, khi cùng tự tuyên về một "Hồi giáo quốc trị" (caliphate - một quốc gia nhà nước đặt dưới quyền cai trị của thần quyền). Phải chăng, bản thân giới học giả có thiên kiến riêng khác nhau cho IS và cho Taliban hay chính họ đã có những thay đổi về quan niệm?

Và có một chi tiết (mà chúng ta sẽ còn nhắc lại sau này) vô cùng quan trọng là trong 20 năm cuộc chiến chống khủng bố được Hoa Kỳ phát động, cả 3 thủ lĩnh nguyên thủy của Al-Qeada, Taliban, IS đều đã chết. Osama Bin Laden bị bắn chết bởi đặc nhiệm Hoa Kỳ, Mulla Omar của Taliban chết bệnh, Abu Musab al-Zarqawi bị không kích bởi Hoa Kỳ dẫn đến tử vong. Họ chết nhưng không có nghĩa là tổ chức khủng bố họ cầm đầu cũng sẽ chết, theo như tuyên bố của cựu tổng thống Obama sau vụ ám sát Bin Laden. Họ chết nhưng chủ nghĩa khủng bố dường như còn mạnh thêm, phức tạp hơn với "chiến trường" rộng khắp cả châu Âu, bán đảo Arab, Trung-Nam Á và tiểu lục địa Ấn Độ.  

Cái gì nuôi dưỡng chủ nghĩa khủng bố và nuôi dưỡng đến mức độ nào để nó có thể sống dai dằng đến vậy? Đây là một câu hỏi không ai có thể trả lời, kể cả là các hồ sơ tình báo của CIA, MI5 hay Mossad. Tất cả đều là những nhận xét khá chung chung, mang tính đúc rút từ vài hiện tượng, kiểu như đánh giá của các học giả Tây phương rằng lực lượng Al-Qeada ở riêng Iraq kiếm được hàng trăm triệu USD mỗi năm từ cướp bóc, bắt cóc và buôn lậu dầu mỏ. Và cuộc kiếm tìm nguổn đầu tư cho khủng bố này, với kỳ vọng cắt đứt được chúng thì có thể khiến chủ nghĩa khủng bố tự suy tàn, chỉ là cuộc mò kim đáy bể. Nó không đi vào thực chất cơ bản và phổ quát. Nó không xác lập đúng được các giá trị thực sự nuôi dưỡng khủng bố và nó chỉ như cái cách bịt lỗ rò trên một thân đê vốn dĩ lỗ chỗ các lỗ bục mục nát. 

Hãy hình dung thế này, chúng ta sẽ dễ hiểu hơn. Ted Kaczynski, một cựu giáo viên ở Mỹ, từ năm 1978 đến 1995 đã tiến hành hàng loạt vụ đánh bom thư khắp nước Mỹ đúng theo kiểu khủng bố "sói đơn độc" cổ điển, đã dùng nguồn tài trợ nào để chế tạo bom? Anders Behring Breivik, kẻ khủng bố cũng sói đơn độc ở vụ ngày 22/07/2011 ở Oslo - Na Uy, cũng chỉ là một nhân viên "cà là èng" ở một công ty "cà là èng" thì lấy đâu ra tiền để tiến hành khủng bố? Hai câu hỏi này đủ để trả lời cho vấn đề lớn hơn rất nhiều là "tài chính có phải nền tảng nuôi dưỡng khủng bố tiên quyết nhất?". 

Khi IS nổi lên ở Iraq và tạo ra một cơn địa chấn, xóa nhòa cả đường biên Iraq - Syria, những giếng dầu tất nhiên nằm trong tầm kiểm soát của họ. Và mặc dù trong đội ngũ IS có rất nhiều kỹ sư, họ cũng không cách nào vận hành được các giếng dầu ấy. Nhưng việc không thu lợi được từ những giếng dầu kia có khiến cho IS kiệt quệ đi hay không? Câu trả lời là không. Bây giờ, IS đã vươn rộng đến cả Bắc Phi, Yemen và nhiều quốc gia vùng vịnh. Để tồn tại, họ cần tiền, tất nhiên rồi. Nhưng không ai đặt ra câu hỏi là họ đã bắt đầu từ không có tiền và vẫn bành trướng đến mức độ như vậy thì liệu rằng tiền có phải là tất cả? 

Osama lớn lên trong một gia đình giàu có ở Arab Saudi và nhiều người nghĩ rằng nguồn tài chính của gia đình là nền tảng để ông ta tạo dựng nên Al-Qeada. Điều đó không sai. Ngay cả IS thời kỳ sơ khởi, với sự dẫn dắt của al-Zarqawi cũng đã "khởi nghiệp" nhờ vào tài trợ từ chính Bin Laden. Nhưng khi Bin Laden bị hạ sát, Al-Qeada vẫn phát triển bất chấp cựu tổng thống Hoa Kỳ lúc ấy là Obama tuyên bố "Al Qeada sắp suy tàn". Xem ra, nguồn tài trợ cho sự lớn mạnh của các tổ chức khủng bố chủ yếu đến chính từ tự thân chúng, với những đóng góp từ chính một cộng đồng tin vào lý tưởng khủng bố thay vì đến từ một vài thế lực nào đó mà chúng ta vẫn dễ dàng nghi ngờ. 

Cơ bản nhất là hai mươi năm chiến tranh chống khủng bố, bản thân những người ở lực lượng "chính đạo" cũng đã có những hiểu biết sai lệch về kẻ thù của mình. Lý tưởng của Al-Qeada là gì? Nó khác và giống với lý tưởng của IS ở chỗ nào? Tất cả vẫn còn là những tranh cãi rất lớn. Nhưng có một sai lầm thế kỷ mà các học giả Tây phương đã đưa ra, là quy chụp hết lên cho lý tưởng tôn giáo. Chính các thông tin lệch lạc này đã tạo nên một làn sóng bài Hồi giáo rất mạnh ở phương Tây và làn sóng này nuôi dưỡng mạnh mẽ hơn sự hận thù để rồi Al-Qeada hay IS đều có thể tuyển dụng, lôi kéo hỗ trợ từ chính trong lòng các quốc gia Tây phương. 

Ít ai chịu phân tích một cách kỹ lưỡng về IS, về cách họ tiến hành phong trào takfirism (tạm gọi là thanh trừng đạo) mà kẻ thù cơ bản và ban đầu của họ chính là người Hồi giáo bị cho là chối đạo hoặc lạc lối mà chủ yếu là người Hồi giáo Shi'ite. Cũng chính vì chủ trương takfirism này mà giữa Bin Laden và al-Zarqawi có những mâu thuẫn sâu sắc bởi mẹ đẻ của Bin Laden là một người Shi'ite. Đó cũng là lý do vì sao chiến địa của IS chủ yếu nằm ở bán đảo Arab và nếu có mở rộng phần nào thì cũng chỉ ờ khu vực Bắc Phi và khu vực Trung-Nam Á, tiểu lục địa Ấn Độ chứ chưa phải là các quốc gia Tây phương như cách mà Al Qeada vẫn làm.

Rồi ngay cả các đánh giá chủ quan rằng các phần tử Hồi giáo đa số là học thức kém, dễ bị lôi kéo vì cuồng tín cũng là thứ đã khiến cuộc chiến chống khủng bố đi vào bế tắc thực sự. Thực tế thì khác hẳn. 75% thành viên Al Qeada đến từ các gia đình trung lưu hoặc thượng lưu; 90% có gia đình êm ấm không đổ vỡ gì và 63% đã vào đại học. Bản thân Bin Laden cũng là một kỹ sư xây dựng, Mohammed Atta, một thủ lĩnh Al-Qeada, là một kiến trúc sư và al-Zawahiri, thủ lĩnh Al Qeada chi nhánh Iraq (được tôn làm emir của Al Qaeda ở bán đảo Arab) là một nhà vật lý học. Sự kỳ thị tôn giáo và miệt thị học thức dành cho họ cũng đã nuôi thêm thái độ thù địch với Tây phương và nó khuyến khích chính các thanh niên Hồi giáo tham gia vào các tổ chức khủng bố dạng này như một tinh thần trách nhiệm với một cộng đồng rộng lớn.

Nói tóm lại, khủng bố thực chất không phải là một lý tưởng mà nó chỉ là phương thức để chứng minh, thực hành một lý tưởng dựa trên cơ sở của hành động bạo lực. Không một ai ủng hộ khủng bố cả nhưng để chống lại nó cần phải hiểu rõ nó. Và càng phải xác quyết rằng, thứ nuôi dưỡng khủng bố mạnh mẽ nhất không phải là các thế lực tài chính nào đó ẩn dưới một tinh thần tôn giáo nào đó. Thứ nuôi dưỡng khủng bố chính là sự thiếu tôn trọng các khác biệt văn hóa mà người Tây phương đã và vẫn thể hiện khi họ ngạo mạn phổ cập các giá trị về tự do, dân chủ rất phổ quát của mình nhưng lại vô cùng xa lạ và khác biệt với các xã hội phương Đông trong vai trò của những nhà khai sáng. Nó xúc phạm các tinh thần riêng, các giá trị riêng và do đó nó khơi gợi lên các hận thù dai dẳng. Và khi các lực lượng chống lại họ bằng các hành động khủng bố, họ lại không đánh giá đúng mục đích và lý tưởng của các phong trào này, từ đó đào sâu thêm các hằn thù không thể nào hóa giải. Chính vì thế, trong cuộc chiến chống khủng bố kéo dài 20 năm qua, họ không thể nhận phần thắng mặc dù có thể tiêu diệt được vài nhân vật tiêu biểu. Cơ bản, khi không hiểu đối thủ của mình, và vẫn vô tình nuôi dưỡng phong trào của đối thủ ấy bằng các hiểu biết lệch lạc này, họ không thể có một chiến lược nào cụ thể. "Không có chiến lược nào"  chính là điều mà chỉ huy của NATO, chỉ huy của lực lượng quân sự Mỹ ở Afghanistan đã  từng phát biểu. "Chúng tôi chỉ có chiến thuật", đó là nhận xét đau lòng nhất vì khi chiến thuật là thứ duy nhất được sử dụng, nó chỉ kéo dài thêm cuộc chiến mà ở đó cướp đi hàng triệu mạng người.

Và đến bây giờ, chủ nghĩa khủng bố đang bước vào một giai đoạn mới, với khả năng rất cao là Al Qeada sẽ bắt tay thật chặt với IS, như dự đoán của nhiều học giả phương Tây qua các sự kiện ở Lybia, ở Syria và Yemen. Giữa cái vũng lầy mà chính phương Tây tạo ra và không tài nào thoát nổi ấy, nực cười thay, có những kẻ khủng bố lại đang bắn vào  họ bằng tên lửa Stinger, thứ mà người phương Tây tạo ra, mang tới, và… khai sáng.